Vào năm 2008, Trương Thị Thu Thuỷ tham gia dự án JICA - một chương trình của Nhật Bản với mục đích nâng cao tay nghề may của nghệ nhân các vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Dự án kết thúc vào năm 2011 với những câu hỏi bỏ ngỏ: những người dân vùng cao sẽ làm gì sau dự án? Đâu là đầu ra cho các sản phẩm thủ công của họ? Họ sẽ tiếp tục duy trì sản xuất thổ cẩm truyền thống với định hướng như thế nào? Sự kết thúc của JICA tại thời điểm đó dường như cũng đặt dấu chấm hết đáng tiếc cho sự phát triển của nghề dệt thổ cẩm - truyền thống văn hoá độc đáo của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Tưởng chừng như mọi thứ sẽ khép lại sau dự án JICA, nhưng mối cơ duyên với nghề dệt đã thôi thúc Trương Thị Thu Thủy tìm hướng đi mới cho những sản phẩm thủ công bà con vùng cao. Doanh nghiệp xã hội Chie Dù pù dù pà ơi! đã được ra đời năm 2011 như một mối cơ duyên đầy tính ngẫu hứng, với mục đích tạo lối ra cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Việt Nam một cách bền vững, có định hướng, có ý nghĩa.
Chie ra đời với nỗ lực của người sáng lập Trương Thị Thu Thuỷ nhằm hỗ trợ việc trao đổi, buôn bán các sản phẩm thổ cẩm cho nghệ nhân vùng dân tộc thiểu số. Và hơn thế nữa, Chie là sự hội tụ tất cả tâm huyết và tình yêu Thuỷ dành cho làng nghề thổ cẩm truyền thống ở Việt Nam - những thớ vải nồng nàn hơi thở dân tộc đã phần nào đó bị mai một, lãng quên.
Đến giờ đã hơn 10 năm từ ngày đầu Chie được thành lập, đó là một chặng đường đủ dài để chúng tôi khẳng định những gì mà CHIE đã, đang và sẽ làm vì cộng đồng dân tộc thiểu số và vì người tiêu dùng các sản phẩm thủ công. Với sự ủng hộ và động viên ngày càng lớn của những người chị em vùng cao trong đội ngũ sản xuất, của khách hàng trong và ngoài nước, của những người sáng lập và phát triển thương hiệu, Chie không chỉ là một doanh nghiệp tạo tác động xã hội, đó còn là hành trình chúng tôi khám phá, bảo tồn và lan tỏa nét đẹp văn hóa của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam.