5 ý nghĩa độc đáo của hoạ tiết thổ cẩm

Hoa văn trên đồ dệt của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam là sản phẩm của lao động thủ công, đồng thời mang giá trị tinh thần đầy tính biểu tượng, gắn với nhân sinh quan và vũ trụ quan của đồng bào. Bộ trang phục truyền thống cũng giống như một cuốn sách lịch sử, văn hóa bởi toàn bộ lịch sử được ghi lại bằng bàn tay và tâm hồn người phụ nữ.

Với nhiều đề tài khác nhau, các hoa văn dệt phản ánh nhiều mặt của văn hóa cổ truyền. Vậy hãy cùng Chie Dù Pù Dù Pà khám phá những ý nghĩa độc đáo ẩn sau các hoạ tiết thổ cẩm.

1. Hoa văn ốc sên

Hoa tiết ốc sên là một trong những hoa văn chủ đạo trong thêu thùa trên váy, áo của người H'mông. Người Mông sử dụng hình ảnh này để cầu mong cuộc sống tốt tươi ấm no hơn. Họ chia sẻ rằng con ốc có ở khắp mọi nơi, chỗ nào thấy con ốc sên là chỗ đó có sự sống, là dựng nhà làm nương được. Đồng bào Mông cũng thêu hình xoắn ốc để thể hiện guồng quay của cuộc sống, sự lặp lại làm cho ta có cảm tưởng mọi vật dường như còn đó nhưng thật ra tất cả đã qua đi.

Đối với dân tộc Mông ở Hà Giang, hoa văn hình xoắn ốc biểu tượng cho người mẹ đơn thân đang tảo tần chăm nom đứa con của mình. Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng đã được người dân tộc Mông khắc họa một cách sâu sắc trên các sản phẩm thổ cẩm dân tộc Mông.

Hình ảnh thêu của đôi ốc sên là sự biểu hiện của cuộc sống lứa đôi, người Mông quan niệm “muốn sống tốt phải luôn có đôi, có như vậy thì cuộc sống mới hạnh phúc và cháu con đông đủ”. 

2. Hoa văn đôi rắn quấn nhau

“Chỉ những ai may mắn mới nhìn thấy đôi rắn quấn nhau…", đây là một lời truyền miệng rất phổ biến đối với bà con người Lào khi kể về hoạ tiết vô cùng độc đáo thường được thêu trên chân váy của các chị em phụ nữ ở Na Sang, Điện Biên.

Chuyện kể rằng, có một anh chàng người Lào muốn đi tìm vợ. Chàng ta tìm mãi vẫn chẳng cô nào yêu, bèn đến hỏi một cụ già trong làng cách để có người yêu thương. Cụ dặn, khi đi vào rừng, thấy đôi rắn quấn nhau thì chàng cởi áo ra choàng lên chúng. Đến khi nào đôi rắn trườn đi thì chàng lấy lại áo và gấp cẩn thận để trong hòm. Khi nào đi chơi, thấy ai ưng bụng thì tối về mang áo đó ra mặc nhưng chuyện này không được kể với bất kỳ ai.

Chàng đã làm như vậy và người con gái kia đã đáp lại tình cảm của chàng. Khi hai người đã thành vợ thành chồng, chàng trai mới đem câu chuyện đó kể lại cho người vợ. Người vợ dựa trên câu chuyện đó dệt nên hoa văn hình hai con rắn quấn nhau. Và sau này, người vợ lại kể lại cho con cháu nghe và con cháu bắt chước làm theo. Bởi vậy mà ngày nay người Lào dệt hoa văn hai con rắn quấn nhau để cầu mong sự may mắn, trọn vẹn yêu thương.

Đồng bào người Lào Mường Luân cũng cho rằng người đi buôn bán mang theo áo này cũng rất may. Vì vậy, người Lào dệt hoa văn con rắn trên chân váy để cầu mong may mắn.

3. Hoa văn quả trám

Quả trám là một loại quả quen thuộc trong bữa ăn của các gia đình người Thái. Họ thường đi nhặt quả trám rụng trong rừng, mang về rửa sạch và luộc hay kho để ăn với cơm.

Hoa văn có hình quả trám được người phụ nữ Thái thêu lên trang phục với ý nghĩa để tưởng nhớ món ăn đã cứu giúp mình trong ngày cơ hàn những năm tháng đói khổ trước đây. Hoa văn quả trám có rất nhiều dị bản, nhưng chủ yếu đều có các mô típ hình trám đồng tâm và điểm xuyết các hoa văn nhỏ hơn ở giữa.

Vì vậy, từ một loại quả tự nhiên đơn giản, người dệt thủ công dân tộc Thái đã biến thành một loại hoa văn độc đáo thể hiện sự khéo léo của bàn tay và trí tưởng tượng của trí óc.

4. Hoa văn con chó

Hoa văn con chó tiếng Dao Tiền gọi là “Tào chố”, trong truyền thuyết, con chó có tên gọi là “Long Khuyển”. Đây là hoa văn được xuất hiện trên trang phục nữ giới nhiều nhất (40 con) với nhiều hướng quay khác nhau, các bà các mẹ thêu hoa văn hình đơn hoặc đôi hoặc tư, được thể hiện bằng màu chỉ trắng.

Hoa văn này được sử dụng xuyên suốt trong ba bộ trang phục truyền thống bởi trong văn hóa tâm linh của dân tộc Dao Tiền xóm Sưng, con chó là động vật thân thiết gắn bó từ rất lâu đời với con người, là con vật mà người Dao đem về nhà thuần hóa đầu tiên để phục vụ con người thời kỳ còn săn bắt; chó cũng là con vật có thể đem đến những điều may mắn, mang đến thuận lợi và nhiều niềm vui; và quan trọng hơn cả, con chó là một nhân vật quan trọng trong truyền thuyết của người Dao về vua Bàn Vương, trong chuyện rồng hóa thân thành con chó để giúp Bình Vương dựng nước, cứu nước.

Có một truyền thuyết xoay quanh hoa văn con chó được bà con truyền tai nhau rằng: Thuở xa xưa, rừng núi còn hoang vu, chiến tranh liên miên, tình thế loạn lạc, người dân rơi vào cảnh nghèo đói vô cùng. Trong cái nguy ấy, ngay cả những người thân cũng có thể bỏ rơi nhau bất kỳ lúc nào. Chỉ có con chó một lòng trung thành với chủ nhân của mình. Khi thấy chủ nhân sắp bỏ mạng vì đói, nó đã chạy khắp nơi kiếm thức ăn để cứu lấy người chủ. Còn mình sau đó không qua khỏi vì kiệt sức. Bên cạnh đó, người Dao Tiền tin rằng, con chó với đôi mắt tâm linh có thể nhìn thấy tà ma và bảo vệ thân chủ khỏi những điều dữ.

Từ đó, để bày tỏ sự biết ơn và tình cảm gắn bó đặc biệt dành cho loài vật này, người Dao Tiền đã thêu hoa văn con chó trên lưng áo của chú rể. Đó chính là trang phục chú rể mặc trong ngày cưới.

5. Hoa văn phượng hoàng

Trang phục của người Dao Tiền xóm Sưng có một họa tiết được ví như “người đưa thư”. Đó là họa tiết chim Phượng Hoàng.


Người Dao Tiền ví chim Phượng Hoàng như những người đưa thư giữa hai cõi: trần gian và thượng giới. Chim Phượng Hoàng giúp những người đang ở trần thế kết nối với những người trên thượng giới như một thông điệp rằng: dù là không thể chạm tới nhưng sự kết nối tâm linh giữa hai cõi vẫn được bền chặt.

Hoa văn này được thêu chủ yếu trên áo hoa của người Dao Tiền hoặc trên khăn đội đầu của chú rể trong ngày cưới. Ngoài ra, khi cô gái Dao Tiền muốn thêu khăn làm kỷ vật trao tặng người yêu, họa tiết chim Phượng Hoàng cũng được thấy trên những món đồ ấy.

Nghệ thuật tạo hình hoa văn vải dệt của các dân tộc Việt Nam với nhiều kỹ thuật và hình thức thể hiện nét cá tính, độc đáo, tạo nên sự phong phú, đa dạng, phong phú, giàu bản sắc dân tộc. Hoa văn trên trang phục góp phần điểm xuyết thêm cho bức tranh 54 dân tộc anh em thêm rực rỡ, trọn vẹn của tổng thể hài hòa “bản sắc văn hóa Việt”. Để tìm hiểu thêm nhiều điều thú vị về các sản phẩm thổ cẩm, bạn có thể theo dõi các kênh truyền thông của Chie hoặc tham khảo trực tiếp tại cửa hàng của Chie Dù Pù Dù Pà tại 66 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Nguồn: Sưu tầm
 

Tin tức liên quan