Lễ hội cầu mưa (tiếng Lào: Bun Huột Nặm) là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Lào ở Điện Biên, bởi qua đó họ cầu trời cho mưa thuận, gió hòa để mùa màng bội thu; tẩy rửa những điều không may mắn của năm cũ để bước sang năm mới. Lễ hội được tổ chức vào đầu mùa mưa (thường vào tháng 4 hoặc tháng 5 dương lịch).
Bun Huột Nặm gồm 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ thường bắt đầu bằng các nghi lễ cúng bản, cúng tổ tiên. Trong phần lễ có một nghi thức cầu may mắn độc đáo là “Phúk Khen” - là lễ “buộc chỉ cổ tay”. Sau phần lễ, dân bản bước vào phần hội với các trò chơi dân gian đặc sắc của riêng dân tộc Lào như: rùa ấp trứng, hổ vồ lợn, rắn bắt ngóe, múa bắt chân bắt đầu, hái dưa chín, phăn viêng, múa lam vông…
Lễ hội cầu mưa không chỉ là dịp để người dân Lào sinh sống tại Điện Biên thể hiện niềm tin vào thần linh và cầu mong cho một mùa màng bội thu mà còn là dịp để người dân vui chơi, giải trí và gắn kết cộng đồng.
Nghệ thuật trình diễn múa dân gian của người Lào có từ xa xưa, được hình thành và phát triển thông qua lao động, sản xuất, sự giao tiếp của cộng đồng, là kết quả sáng tạo của nhiều thế hệ, được tồn tại, lưu giữ trong nhân dân.
Điểm ấn tượng trong điệu múa cổ truyền của người Lào là việc xoay thân người, cổ tay, ngón tay được kết hợp nhuần nhuyễn, thanh thoát, nhịp nhàng nhưng không kém phần sôi nổi. Cùng với đó là các động tác di chuyển, đầu gối nhún mềm mại. Khi múa xong, hai tay chắp trước ngực, đầu hơi cúi xuống. Chính vì vậy, những điệu múa của các cô gái Lào luôn thu hút bởi sự duyên dáng, mềm dẻo của cơ thể cùng sự khéo léo, nhịp nhàng của bàn tay.
Mỗi điệu múa chứa đựng những nội dung khác nhau nhưng nhìn chung đều vươn tới khát vọng cuộc sống thanh bình, đầm ấm, hạnh phúc, yên vui quên đi mọi vất vả, khó khăn trong cuộc sống. Mỗi động tác múa đều mang bản sắc, cốt cách văn hóa của người Lào, thể hiện tâm tư, tình cảm, cách ứng xử đẹp của con người với con người, con người với thiên nhiên.
Nghệ thuật trình diễn múa dân gian là sản phẩm văn hóa đặc sắc, không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Lào. Múa dân gian được thực hành trong dịp Tết Nguyên đán, trong đám cưới, mừng nhà mới, trong các lễ hội (Lễ hội Té nước, Lễ mừng Cơm mới...), các cuộc vui liên hoan văn nghệ, hội thi, hội diễn, sự kiện văn hóa tại thôn, bản và giao lưu hợp tác quốc tế…
Cây nêu có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mông tại Pà Cò. Trong Lễ hội truyền thống Gầu Tào của người Mông, việc dựng cây nêu là việc quan trọng nhất. Cây nêu được coi là cây thiêng của bà con dân tộc Mông, tượng trưng cho cầu nối giữa trời với đất.
Cây nêu được trồng trên bãi đất rộng, bằng phẳng. Ngọn cây nêu bao giờ cũng hướng về hướng Đông - là hướng sinh với mong muốn cầu sinh con, cũng là hướng của Mặt Trời với mong ước mùa màng bội thu.
Lễ cúng cây nêu có các lễ vật là gà, rượu, cơm, giấy. Chủ lễ thắp hương, đốt tiền mã rồi đi ngược chiều kim đồng hồ 3 vòng quanh cây nêu, rồi đi ngược 3 vòng nữa hát bài Tịnh chay hẹn ngày cúng bái thần linh biết việc dựng nêu tổ chức lễ tạ ơn. Lễ cúng được tổ chức với mong ước trời đất, thần linh phù hộ cho bản làng yên vui, năm mới mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, cầu chúc cho mọi người, mọi nhà yên vui, khỏe mạnh, ăn nên làm ra, chăn nuôi sinh sôi, trồng trọt được mùa.
Trong tâm niệm của bà con người Thái - Mai Châu, lửa là cánh cửa vô hình, giúp truyền đạt nguyện vọng với các bậc thần làng, hoàng làng, giúp trao đổi tâm tư với tổ tiên, với những người đã khuất.
Người Thái quan niệm củi có bền chặt, than có đỏ hồng mãi thì tình cảm gia đình mới vững chắc. Vì vậy, theo bà con dân tộc Thái - Mai Châu, giữ lửa vào ngày Tết chính là giữ được sự no ấm, sung túc, thu hút sự chú ý của thần linh ban may mắn cho gia đình và giúp người thân đã khuất có thể về đây tụ hội. Ngược lại, nếu bếp tàn thì mang lại điều đen đủi, gia đình năm mới không được yên ấm, no đủ.
Người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc bếp núc nên được giao trọng trách giữ lửa. Thời điểm giao thừa qua, trước khi đi ngủ, để ngọn lửa được giữ mãi trong đêm, người phụ nữ trong gia đình sẽ vùi tro làm sao cho sáng hôm sau bếp vẫn đượm lửa. Sáng mùng một Tết, mọi thành viên trong gia đình cùng dậy sớm. Người phụ nữ lớn tuổi trong gia đình có trách nhiệm khơi tro để ngọn lửa tiếp tục bùng cháy, sửa soạn mâm cúng đầu năm mới.
Từ khi còn bé đến lúc trưởng thành, người con gái Thái được người mẹ dạy cho cách thêu thùa, may vá, dệt vải làm khăn. Con gái Thái từ 6,7 tuổi phải làm quen với bông, sợi, dệt vải; 12,13 tuổi bắt đầu làm quen với công việc thêu thùa. Thành viên nữ của cộng đồng Thái phải biết nhìn vào mẫu Piêu, biết nhận ra bố cục của hoa văn…
Học thêu Piêu với các cô gái Thái là một quá trình nhận thức và rèn luyện đôi bàn tay khéo léo của mình để chuẩn bị bước vào đời. Lúc đầu các cô gái chỉ thêu được những đường thẳng hoặc những mô-típ hoa văn đơn giản, dần dần tiến tới biết xử lý đồ án, bố cục, biết xử lý màu sắc ở nhiều mô-típ hoa văn trong những bố cục phức tạp.
Việc học dệt vải và học thêu khăn Piêu là bài học phổ thông, tất yếu của mọi thành viên nữ trong nếp sống của cộng đồng dân tộc Thái, bởi vậy, khăn Piêu không chỉ có ấn tượng về màu sắc sặc sỡ với những đường nét tinh xảo, tôn vinh vẻ đẹp trên khuôn mặt của người phụ nữ mà còn là một tiêu chí để đánh giá tài năng, phẩm hạnh của người con gái đó. Qua chiếc Piêu có thể biết được chủ nhân của nó là người tài hoa, siêng năng, chịu khó hay là người lười nhác, vụng dại. Khăn Piêu của phụ nữ Thái không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn mang tính xã hội, cùng với váy, áo, nón đội, thắt lưng, Piêu góp phần tạo nên một nét đẹp, một sắc thái riêng, hấp dẫn về trang phục truyền thống của dân tộc Thái.
Tây Bắc với vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên hùng vĩ và những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được hình thành và lưu giữ từ xa xưa cho đến nay. Nét độc đáo của văn hóa Tây Bắc mang đậm tính cộng đồng, sự hòa điệu nét văn hóa của từng dân tộc đã hội tụ thành một bức tranh đa sắc màu của văn hóa dân gian. Hãy tiếp tục theo dõi các bài viết trên trang của Chie để cập nhật thêm nhiều thông tin thú vị về văn hoá, đời sống của các dân tộc thiểu số ở vùng cao nhé!
Nguồn: Tổng hợp