Tại các bản làng vùng cao Việt Nam như Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Yên Bái, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những họa tiết vẽ tay hiện hữu trên những trang phục thường nhật của các cô gái H'mông. Đó là những nét vẽ sáp ong theo kỹ thuật batik - được trang trí vô cùng công phu và tỉ mỉ trên nền vải chàm. Đó dấu ấn riêng trên trang phục của người phụ nữ vùng sơn cước.
ĐÔI NÉT VỀ NGHỆ THUẬT BATIK
Batik là một nghệ thuật trang trí trên vải phổ biến của khá nhiều dân tộc, nhưng đối với người H’mông tại Việt Nam, đó lại là một dấu ấn có một không hai. Kỹ thuật này sử dụng sáp ong nóng chảy, vẽ trên mặt vải. Sau đó, tấm vải sẽ được nhuộm trong màu chàm, đem hong khô và luộc cùng nước sôi. Sáp ong tan chảy trong nước sôi sẽ để lộ ra những phần hoa văn rực rỡ, cực tinh xảo và cầu kỳ.
Phụ nữ H'mông tự hào về kỹ thuật độc đáo này, họ sở hữu đôi tay khéo léo cùng hệ thống hoa văn Batik được truyền lại từ ngàn xưa. Ta có thể thấy người nghệ nhân vùng cao chăm chú di từng nét bút trên tấm vải dệt tay, họ vẽ nên những tinh hoa, tinh thần dân tộc, mỗi nét vẽ chứa đựng cả giá trị văn hóa bản địa đã được tích trữ qua hàng thế hệ.
Để tạo nên họa tiết batik vẽ sáp ong, chúng ta cần:
Vải: Có thể dùng vải cotton hoặc vải lanh, với người H'mông họ thường chuộng vải lanh. Vải phải được giặt sạch sẽ và được làm phẳng, thường thì được trải trên một tấm ván và vuốt phẳng bằng nanh lợn rừng.
Bút vẽ: bút vẽ sáp ong có cán làm bằng tre, phần đầu là hai tấm đồng nhỏ cạnh tròn, úp vào nhau, chứa được một lượng nhỏ sáp ong nóng bên trong.
Bát đun sáp ong: dụng cụ bằng kim loại dùng để đựng và đun chảy sáp ong trên bếp lửa.
Sáp ong: loại sáp thiên nhiên người dân lấy từ rừng
Bếp lửa: được đốt âm ỉ trong suốt quá trình vẽ, giúp sáp ong không bị đông đặc lại.
Sáp ong chỉ có thể dùng để vẽ khi ở trạng thái nóng chảy. Bởi vậy, người nghệ nhân khi vẽ luôn phải kề cạnh bếp than để vừa đun sáp vừa vẽ. Họ dùng bút, chấm sáp ong và vẽ nên những hoa văn đẹp nhất.
Người H’Mông đặc biệt rất giỏi bố cục các hình tròn, hình vuông, các đường thẳng đường cong, các hình xoắn ốc để tạo thành những họa tiết có đường nét rất sinh động. Riêng người Mông đen chủ yếu sử dụng các hoa văn to bản, họa hình động vật xung quanh; họa hình cây cỏ, hoa lá; và họa hình công cụ lao động.
HỌA TIẾT ĐẶC TRƯNG LÀM NÊN TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG
Sau khi vẽ sáp ong xong, người ta sẽ nhuộm chàm và luộc tấm vải lên để sáp ong bong ra, để lại họa tiết trắng trên nền vải tối màu. Những người nghệ nhân lại tiếp tục điểm xuyết thêm những nét thêu làm điểm nhấn cho tấm vải, sau đó ráp vào phần chân váy, lưng áo, vai áo và ống tay để hoàn thiện một bộ trang phục truyền thống.
Có thể nói rằng, vẽ sáp ong là nét đặc trưng văn hóa riêng của người H’mông và đó chính là điểm nhấn độc đáo trên trang phục truyền thống của họ.
ỨNG DỤNG HỌA TIẾT VẼ SÁP ONG TRÊN NHỮNG THIẾT KẾ HIỆN ĐẠI
Có một điều khá thú vị về những tấm vải vẽ sáp ong mà không phải ai cũng biết. Thông thường những hoa văn được vẽ từ lâu, trải qua sự đượm màu của thời gian thì lại có giá trị cao hơn so với những tấm vẽ mới. Một bộ trang phục truyền thống của phụ nữ H'mông có giá từ vài triệu lên đến vài chục triệu, tùy vào họa tiết và độ tỉ mỉ.
Tại Chie Dù pù dù pà, chúng tôi luôn đánh giá cao những họa tiết sáp ong và tính ứng dụng của chúng trong các thiết kế hiện đại. Các sản phẩm của Chie thường được thiết kế theo lối đơn giản, tạo điểm nhấn bằng các họa tiết thổ cẩm mà trong đó, sáp ong luôn mang lại nét đẹp rất riêng và độc đáo.
Bên cạnh các sản phẩm được thiết kế và gia công với chất liệu sáp ong mới thì Chie cũng ưu tiên tái sử dụng và tái chế các trang phục đã qua sử dụng của người H'mông, chọn lọc lấy phần vải vẽ sáp ong đẹp nhất để đưa vào các thiết kế mới. Đây là cách chúng tôi biến thời trang trở nên thân thiện hơn với môi trường và đồng thời giảm lượng phát thải trong quá trình sản xuất.
Đối với Chie, mỗi sản phẩm làm ra đều phải có dấu ấn và câu chuyện văn hóa riêng. Chính vì vậy, chúng tôi luôn mong muốn truyền tải tinh thần nghệ nhân trong từng thiết kế, đó không chỉ đơn giản là một món đồ thủ công mà còn là hơi thở của núi rừng, là công cụ lan tỏa giá trị văn hóa bản địa độc đáo của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam.